Đền Mẫu – Cấm Sơn Linh Từ

04/01/2023

Ngôi đền thuộc tổ 06, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Đền có vị thế đẹp, đầu gối sơn, chân đạp thủy; phía Đông giáp trục đường Đội Cấn, phía Nam giáp dốc Mã Tim và ngọn núi Cấm sừng sững.

Đền Mẫu có tên tự Cấm Sơn Linh Từ nghĩa là đền thiêng ở núi Cấm, nhân dân thường gọi Đền Mẫu, được xây dựng năm 1889 thờ tam thánh mẫu: mẫu Liễu (Công chúa Liễu Hạnh), mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thuỷ, ngoài ra còn thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) – người có công chống giặc cứu nước trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm thời nhà Trần.

Dựa theo kiến trúc và di vật còn lưu giữ, đền Mẫu xuất hiện từ cuối thế kỉ XVIII. Theo các bản sao sắc phong ở đền, vào đầu đời vua Thành Thái, ngày 18/11/1889, Hội thiện nam tín nữ Đạo Quan binh thứ ba Hà Giang về phường Quy Lưu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nội (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ngày nay) sao chép sắc phong và rước chân hương về miếu Cấm Sơn để thờ, sau đó được nhân dân cùng đóng góp công sức xây dựng thành đền thờ Thánh Mẫu.

Xưa kia, trước cổng là ngôi đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (dân thường gọi là Đức Thánh Trần). Trong kháng chiến chống Pháp (khoảng năm 1947), thực hiện kế sách “vườn không, nhà trống”, dân trong vùng đã cất giấu tượng và tháo dỡ đền. Sau hòa bình lập lại, nhân dân đã rước tượng Trần Hưng Đạo về thờ chung tại đền Mẫu.

Trong đền còn lưu trữ nhiều hiện vật nghệ thuật như tượng thờ, hoành phi, câu đối, chuông đồng, trong đó 2 quả chuông đồng có niên đại trên 100 năm; quả chuông đồng thứ nhất được đúc vào thời vua Thành Thái, năm Đinh Mùi (1907), do Chủ hội Hưng công Nguyễn Quang Bảo, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cúng tiến, trên khắc thơ ca ngợi cảnh đẹp linh thiêng của ngôi đền và hoà bình, sự thịnh vượng của đất nưóc; quả chuông đồng thứ hai có tên là chuông Đền Trần còn in dấu tích bốn chữ Hán: “Linh Từ Kiếp Bạc” (Đền thiêng Kiếp Bạc).

Đền được trùng tu, tôn tạo gần đây nhất vào năm 2003 theo kiến trúc của các ngôi đền cổ Việt Nam. Quần thể đền Mẫu hiện nay có tổng diện tích khoảng 3600m2 (thu hẹp so với trước). Đền nằm dưới chân núi Cấm, mặt trước hướng về phía Đông, nơi có dòng sông Lô. Toàn bộ khu đền gồm: cổng đên, sân vườn, khu đền chính, khu nhà khách và một số công trình phụ.

Đường dẫn vào khu vực đền chính lát gạch vuông, phía trước có miếu cô Bơ, hồ bán nguyệt, động Sơn Trang và một khoảng sân rộng.

Khu đền thờ chính gồm nhà Tiền tế ở chính giữa, trong nhà Tiền tế được trang hoàng lộng lẫy với các bức hoành phi sơn son thếp vàng rực rõ từ đời Duy Tân, hệ thống pho tượng và nhiều bảo vật khác. Toàn bộ linh vật thờ đều có tuổi đời trên 100 năm. Gian thờ chính có ban thờ Tam toà thánh mẫu: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn đệ nhị, Mẫu Thoải đệ tam; ngoài ra còn có Ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo.

Hàng năm, đền thường tổ chức mở hội vào tháng 2 âm lịch, trong đó gồm có phần tế lễ và rước kiệu; chủ lễ là Đồng đền Pháp sư (người đứng đầu quản lí, trông coi đền); ngoài ra còn có các ngày lễ dâng hương định kì vào các dịp lễ tết và tuần tiết sóc vọng. Đền Mẩu từng là nơi diễn ra một số lễ hội dân gian truyền thống.

Đền Mẫu trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Các di vật như sắc phong, chuông đồng, hoành phi, câu đối là nguồn sử liệu quan trọng, hình ảnh minh chứng cho bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất Hà Giang. Với giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hoá và tín ngưỡng tôn giáo, năm 2007, đền Mẫu được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

BẢN ĐỒ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

05:00 tới 21:00
Phường Nguyễn Trãi - Thành Phố Hà Giang