Hang Thiên Thuỷ

18/03/2024

Hang Thiên Thủy nằm sâu trong dãy núi thuộc địa bàn bản Na Lý, xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Nơi đây cách thị trấn Cốc Pải 13 km về phía tây nam, là địa danh nổi tiếng gắn liền với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ.

Lòng hang Thiên Thủy rộng có cấu tạo chủ yếu từ nhiều thạch nhũ và đá vôi. Tổng chiều dài của hang lên tới 340 m. Hang động ở rìa xã Nàn Ma, giáp với huyện Bắc Hà thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. Cửa ngõ giao thương buôn bán giữa huyện Xín Mần và Lào Cai có tiềm năng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực phượt Hà Giang.

Vào ngày 20/08/2013, hang Thiên Thủy chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia. Tại đây, tỉnh Hà Giang đã thành lập ban quản lý, cử người trông coi, bảo vệ thường xuyên đối với hang Thiên Thủy. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư xây dựng phục vụ du khách đến tham quan mà không làm ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan của hang và môi trường tự nhiên xung quanh.

Hang Thiên Thủy được chú trọng lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của bà con người dân nơi đây và đầu tư phát triển dịch vụ du lịch để quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

Cấu tạo độc đáo của hang Thiên Thủy

Hang Thiên Thủy nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, thuộc dãy núi Hoa Đá hay còn gọi là Khoắn Pắng quanh năm mây phủ của đất Nàn Ma. Hang động có 3 cửa ra vào đều khá nhỏ và hẹp. Các cửa vào sâu trong lòng hang ước chừng khoảng 5 mét, chỉ vừa 1 người chui lọt, đi qua.

Đặc biệt, lối hang nhỏ này có hệ thống gió thông khí, tỏa ra không khí vô cùng mát lành, giúp du khách quên hết mỏi mệt sau quãng đường di chuyển ở Xín Mần. Đi sâu vào trong khoảng 10 m, khách du lịch sẽ bắt gặp những vũng nước trong mát sâu hơn 20 cm. Những vũng nước này đã đóng góp một phần để tạo nên cái tên Thiên Thủy của hang đá.

Hang Thiên Thủy có vị trí khá cao trên đỉnh dãy núi đá Nàn Ma, không phải là hệ thống hang động ngầm đi sau vào lòng đất. Tuy nhiên trong lòng hang vẫn có nguồn nước sạch trong lành, tinh khiết. Nguồn nước này không chỉ tạo sự thoáng mát trong hang, tạo nhũ đá mà còn là nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con sống quanh khu vực trong những ngày khô hạn kéo dài.

Theo khảo sát, cấu tạo của hang Thiên Thủy hoàn toàn bằng đá vôi. Hang có chiều dài 340 m, vòm hang cao nhất 23 m. Nơi rộng nhất trong hang là 33 m, nơi hẹp nhất là 4m. Hệ thống giao thông trong hang giống như chiếc xương cá. Hang Thiên Thủy có một lối đi chính, đủ để đi qua, khi thì trên nền hang, khi thì lội qua nước, khi bám trên thành hang.

Lối đi chính của hang khá nhỏ, nằm giữa các nhũ đá tự nhiên đa dạng các hình khối lạ kì. Hình dáng của các khối nhũ đá khiến người ta liên tưởng đến những con vật khổng lồ, hoặc những hình tượng ông tiên, ông phật trong cổ tích, vô cùng kỳ bí và đẹp.

Trên vòm hang có vô số các khối nhũ đá nhiều hình thù xếp thành tầng tầng lớp lớp quay hướng xuống chân động. Mọi đường lối trong hang động như đã được biến hóa thành những lối đi mê cung. Cần có người bản địa thông thạo các lối rẽ dẫn đường thì mới có thể đi đúng lối để ra cửa hang phía bên kia núi.

Càng đi vào sâu bên trong hang, du khách sẽ càng thấy choáng ngợp với độ rộng của hang và sự đa dạng về hình khối của nhũ đá. Cùng với đó, thử thách trong việc tìm đường ra càng tăng lên, sẽ cho bạn những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Một số lễ hội đặc sắc tại hang Thiên Thủy

Lễ cúng Tượng đá đầu rùa

Hang Thiên Thủy gắn với một nghi lễ tiêu biểu và quan trọng của cộng đồng dân tộc người Mông nơi đây, đó là lễ cúng Tượng đá đầu rùa diễn ra dưới chân núi Hoa Đá đã được duy trì bao nhiêu đời nay. Lễ cúng được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm tại một phiến đá có hình đầu rùa nằm dưới chân núi theo đường đi lên cửa hang.

Lễ cúng cần khá nhiều các lễ vật đã được chuẩn bị từ trước. Ví dụ như một con lợn 50 – 60kg, một con gà trống, một thếp giấy bản, một chai rượu, 5 bát cơm, 5 thẻ hương… Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ, phần lễ sẽ được diễn ra khi thầy cúng thắp 5 nén hương mời các vị thần linh về dự. Bài cúng cầu mong các thần phù hộ cho bà con khỏe mạnh, không bị ốm đau bệnh tật, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, lúa ngô không có sâu bệnh phá hoại, vật nuôi trong nhà sinh sôi nảy nở, …

Bên cạnh đó, tại khu vực quanh hang Thiên Thủy vẫn còn giữ được các lễ hội văn hóa đặc sắc như Gầu tào, Cúng rừng của người Mông và người Nùng. Nếu đến đây vào đúng dịp diễn ra các lễ hội, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều về các phong tục tập quán nơi đây.

Tết khu cù tê

Đây là một nét văn hóa mang đậm bản sắc của cộng đồng dân tộc La Chí đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tết khu cù tê diễn ra vào tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để những người con đi làm xa xứ trở về, gia đình sum họp, quây quần, nhớ về tổ tiên và cầu mong ấm no, hạnh phúc cho gia đình.

Trong lễ cúng thì thịt trâu là các thực phẩm bắt buộc cần phải có để cúng tổ tiên. Phần lễ cúng sẽ gồm có sừng trâu, củ gừng, sọt tre, chén vại, thịt trâu, thịt lợn, rượu hoẵng. Mỗi lễ vật đều mang một ý nghĩa tượng trưng riêng, vô cùng thú vị và được làm ra bởi chính tay người dân trong bản làng.

Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ, trưởng tộc bắt đầu đọc bài cúng để mời tổ tiên của người La Chí về ăn Tết cùng dân bản. Nội dung bài cúng có ý nghĩa cầu mong cho mùa màng bội thu, dân bản sức khỏe, cuộc sống ấm no. Tiếp đến, trưởng tộc buộc củ gừng vào sợi chỉ cầm bên tay phải, tay trái cầm sừng trâu, bên trong có đựng rượu hoẵng, miệng đọc bài cúng mời các linh hồn về nhập vào những người phụ giúp việc cho trưởng tộc.

Kết thúc phần cúng là màn đánh chiêng trống. Điệu múa chiêng, múa trống để thể hiện sự vui mừng phấn khởi của người dân sau một năm trồng trọt chăn nuôi bội thu và cũng là sự tôn kính, lời cảm ơn đến tổ tiên đã phù hộ cho dân bản sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nghi lễ kết thúc khi tiếng trống của người phụ giúp cuối cùng dừng lại. Lúc này, chủ nhà dọn mâm mời tất cả mọi người tham dự uống rượu, ăn thịt trâu, thụ lộc.

Bỏ túi một số kinh nghiệm khi tham quan hang Thiên Thủy

Hang Thiên Thủy là một địa điểm du lịch nằm sâu trong núi, đường đi di chuyển khá khó khăn và hiểm trở với các cung đường đèo dốc, ngoằn ngoèo. Vì vậy, du khách cần chú ý một số điều để chuyến đi tham quan diễn ra suôn sẻ, thuận lợi:

Quãng đường di chuyển đến hang động khá xa cùng với đó là nhiều dốc, ngõ ngách. Vậy nên, du khách cần có tay lái vững, đảm bảo an toàn khi di chuyển.

Bởi trong hang Thiên Thủy có nhiều lối đi nhỏ, giống mê cung, bạn nên có một người bản địa đi cùng dẫn đường để không bị lạc hay không tìm được lối ra.

Hang Thiên Thủy là di tích mang tầm quốc gia. Do đó, khi tham quan bạn không được chạm tay các nhũ đá và tuyệt đối không xả rác bừa bãi quanh khu vực.

BẢN ĐỒ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *