
Hạ Thành – Hà Giang: Cá Bỗng và những điệu Then níu chân khách du lịch
12/06/2023


Trong hoạt động lao động sản xuất, ngoài nghề trồng lúa nước, chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm, người dân còn có một nghề nuôi cá Bỗng nổi tiếng. Nghề nuôi cá Bỗng ở đây trở nên nổi tiếng bởi khí hậu phù hợp và nhà nào trong thôn cũng có ao to, chỉ cần vét đất đắp vào vách đá chắn nước là thành ao. Đến Hạ Thành nhà nào cũng nhìn thấy cá Bỗng, cá bơi tung tăng rất vui mắt.
Giống cá Bỗng này ruột nhỏ, ăn ít, dễ nuôi nhưng nhất thiết phải cần nguồn nước sạch và có nước chảy ra vào hàng ngày thì cá mới có thể sống. Hiện nay, cá Bỗng đang trở thành món ăn đặc sản được nhiều nhà hàng săn lùng do có đặc điểm thịt thơm, chắc, ăn rất ngon. Tuy nhiên, người dân thôn Hạ Thành chưa nuôi cá Bỗng với mục đích phát triển kinh tế mà chủ yếu nuôi theo phong tục truyền thống có từ lâu đời.
Cá Bỗng được người dân nơi đây quý trọng và nâng niu như của cải có giá trị, họ dâng lên trời đất, tổ tiên để tỏ lòng kính trọng. Tục lệ dùng cá Bỗng để cúng trong những ngày lễ của người Tày đã có từ rất lâu đời. Vào ngày 5/5 và ngày 12/11 âm lịch hàng năm, người ta thường dùng cá Bỗng để cúng tạ trời đất và tổ tiên vì một vụ mùa bội thu, cuộc sống sung túc. Ngày 5/5 âm lịch, tất cả các nhà bà con dân tộc thường nấu xôi nếp và cá Bỗng nướng để cúng. Còn ngày 12/11 âm lịch, đồng bào thường có phong tục làm bánh cá, cũng là để cúng lễ thần linh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Bên cạnh nghề nuôi cá Bỗng truyền thống, người dân nơi đây còn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống độc đáo khác, như: Làm cối giã gạo bằng nước, làm bánh dân tộc, đan lát, dệt sợi, rèn đúc, làm nhạc cụ dân tộc và còn giữ được các điệu múa tín ngưỡng, những làn điệu dân ca, những trang phục, lễ hội truyền thống của dân tộc Tày bản địa…. Những ngôi nhà sàn truyền thống nguyên sơ, những câu hát lượn, hát cọi, hát then ngọt ngào, những điệu múa dân gian, múa tín ngưỡng, những lễ hội truyền thống huyền bí, tạo cho bạn một cảm giác như trở về nơi cội nguồn của dân tộc.
Các làn điệu dân ca như hát then, hát cọi… và những điệu múa cổ truyền như: múa đàn tính, múa gậy, múa còn, múa chầu then… là những vũ điệu dân gian làm đắm say lòng người bởi chất phóng khoáng và giàu tính ước lệ. Đối với người dân thôn Hạ Thành, hát then, đàn tính đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây, góp phần làm động lực cho bà con hăng hái tăng gia sản xuất. Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một, vào những ngày hội mùa xuân, trên các bản làng miền núi Hạ Thành không thể thiếu làn điệu then say đắm, cùng cây đàn tính vỏ bầu độc đáo. Những giai điệu, làn điệu hát then truyền cảm, trữ tình, cùng tiếng đàn tính ngọt ngào như dòng suối chảy, như giọt nước rơi nhẹ trên lá rừng làm say đắm tình người, âm thanh như dòng suối ngọt chảy mãi, vươn xa, con người với vạn vật quấn quýt nhau không chỉ suốt mùa gặt hái mà trong cả tết lễ, hội hè…
Ngoài những cánh đồng bậc thang màu mỡ, tiếng cối giã gạo bằng sức nước, tiếng cá Bỗng đớp mồi dưới ao, tiếng mõ trâu, tiếng gà gáy, những món ăn đặc sản hương vị quê hương như: Cá Bỗng nướng, thịt lợn đen hun khói, gà đồi, dê núi, vịt bầu, thịt trâu khô, các loại rau rừng, cơm lam, cốm mới, cơm xôi các màu, rượu men lá,… Hạ Thành còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, bình yên của khu sinh thái Suối Tiên. Nơi đây có địa hình tương đối bằng phẳng, lòng suối rộng, hai bên suối là những khu đồi thấp, nổi lên những tảng đá nguyên thủy mồ côi khổng lồ, đan xen trong những rừng cọ già cùng hệ động thực vật phong phú. Ngoài ra, Khu Thủy điện 302; bản vùng cao Lùng Vài người Dao…cũng là những địa chỉ thu hút sự khám phá của du khách.