Tổng Hợp Các Lễ Hội Hà Giang Nổi Tiếng, Đặc Sắc Nhất Năm 2023

21/06/2023

Hà Giang thu hút một lượng lớn du khách hàng năm với những địa điểm du lịch nổi tiếng và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Không những thế, nơi đây còn được biết đến với vô vàn các lễ hội đặc sắc. Hãy cùng HaGiang360.vn tìm hiểu những điều thú vị về các lễ hội Hà Giang nhé.

Các lễ hội Hà Giang luôn nhận được nhiều sự chú ý của du khách với các hoạt động lễ và hội sôi động
Các lễ hội Hà Giang luôn nhận được nhiều sự chú ý của du khách với các hoạt động lễ và hội sôi động (Nguồn: dulichdaiviet.com)

 

Tổng hợp các lễ hội Hà Giang đặc sắc

Khi tham gia các lễ hội Hà Giang truyền thống của đồng bào người dân tộc vùng cao, du khách sẽ khám phá thêm nhiều nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục tập quán của người dân. Hơn nữa, các hoạt động vui chơi giải trí tại các lễ hội cũng vô cùng thú vị, lôi cuốn. Dưới đây sẽ là những lễ hội Hà Giang lớn nhất, đặc trưng nhất của người dân nơi rừng núi đá tai mèo.

1. Lễ hội hoa Tam Giác Mạch Hà Giang

Du lịch Hà Giang tháng 11 luôn được nhiều du khách quan tâm và ưa chuộng với khung cảnh thiên nhiên trữ tình và thời tiết se se lạnh nơi núi rừng cao nguyên đá. Khi du lịch Hà Giang thời điểm này sẽ là cơ hội để du khách tham gia vào lễ hội hoa Tam Giác Mạch đặc sắc.

Lễ hội hoa Tam Giác Mạch là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Giang diễn ra vào đúng mùa hoa nở
Lễ hội hoa Tam Giác Mạch là một trong những sự kiện lớn nhất của cao nguyên đá diễn ra vào đúng mùa hoa nở (Nguồn: vietnamplus.vn)

Lễ hội Hoa Tam Giác Mạch được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng vùng núi non và cũng là dịp để Hà Giang quảng bá vẻ đẹp di sản, những nét văn hóa và tiềm năng du lịch nơi đây. Lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 – thời điểm những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ tím biếc cả khắp núi rừng.

Tùy theo từng năm, địa điểm tổ chức lễ hội sẽ được thay đổi, có thể là tại Chợ tình Khâu Vai hoặc sân vận động thị trấn Đồng Văn hay thị trấn Hoàng Su. Các địa điểm diễn ra lễ hội luôn được lựa chọn kĩ càng, có sự chuẩn bị từ trước và đầu tư hoành tráng, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người khách tham gia.

Tỉnh Hà Giang đã phải chuẩn bị cẩn thận, trồng các cánh đồng hoa tam giác mạch để hoa ra đúng độ diễn ra lễ hội
Người dân vùng cao phía Tây Bắc đã phải chuẩn bị cẩn thận, trồng các cánh đồng hoa tam giác mạch để hoa ra đúng độ diễn ra sự kiện lớn trong năm (Nguồn: vnexpress.net)

Để chuẩn bị cho lễ hội hàng năm, tỉnh Hà Giang phải tổ chức trồng và chăm sóc hoa từ sớm với gần 400ha diện tích trồng hoa tam giác mạch. Hoa nở rộ nhất vào đúng thời điểm tổ chức khai mạc lễ hội và kéo dài đến cho hết tháng 12. Khắp 4 huyện chính của Hà Giang Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc đều là địa điểm tập trung nhiều loài hoa này.

Đến với lễ hội hoa Tam Giác Mạch Hà Giang, khách du lịch có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa này trên những cánh đồng rộng lớn, trải nghiệm đi trên con đường hoa. Ngoài ra, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm của đồng bào dân tộc thiểu số như thi đấu các môn thể thao truyền thống, các các trò chơi dân gian và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản Hà Giang độc đáo.

Xuyên suốt lễ hội diễn ra rất nhiều các hoạt động đặc sắc thu hút nhiều người tham gia
Xuyên suốt sự kiện diễn ra rất nhiều các hoạt động đặc sắc thu hút nhiều người tham gia (Nguồn: dulichkhatvongviet.com)

Trong  lễ hội, có nhiều các hoạt động thú vị khác: thi làm bánh tam giác mạch, đua thuyền chinh phục hẻm Tu Sản, trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt may; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc truyền thống tại khu phố cổ huyện Đồng Văn.

Một số hoạt động đặc sắc đáng chú ý tại lễ hội hoa Tam Giác Mạch Hà Giang: 

  • Chương trình khai mạc lễ hội hoa Tam Giác Mạch
  • Giải chạy marathon quốc tế  trên cung đường Hạnh phúc tại huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc.
  • Liên hoan ẩm thực miền núi phía Bắc.
  • Cuộc thi Ảnh đẹp Du lịch Hà Giang.
  • Giải  thi đấu xe ô tô, motor, xe đạp “Tinh thần đá” tại huyện Yên Minh.
  • Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mèo Vạc và huyện Quản Bạ.

2. Lễ hội Nhảy Lửa

Lễ hội Nhảy Lửa hay còn được gọi là lễ hội Cầu Lửa là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang. Cứ mỗi khi mùa màng đã thu hoạch xong, mùa đông khắc nghiệt bắt đầu chính là lúc báo hiệu sắp diễn ra lễ hội, cụ thể là ngày 16/10 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Nhảy Lửa là để cảm ơn vị thần Lửa đã bảo vệ người dân và cầu mong sức khỏe , mùa màng bội thu,..
Lễ hội Nhảy Lửa là để cảm ơn vị thần Lửa đã bảo vệ người dân và cầu mong sức khỏe , mùa màng bội thu,..(Nguồn: vietnamplus.vn)

Theo quan niệm của người Pà Thẻn, lửa là vị thần tối cao nhất, đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của họ. Lửa tượng trưng cho sự bình an và  may mắn. Lễ hội Nhảy Lửa chính tổ chức như để cảm ơn thần đã cho mùa màng vừa qua bội thu và cầu cho sức khỏe tràn đầy, cuộc sống thịnh vượng, xua đuổi hết những điều xui xẻo, bệnh tật.

Địa điểm diễn ra lễ hội là tại thôn Mỹ Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Để bắt đầu một lễ hội nhảy lửa thì cần phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh, thời gian làm lễ kéo dài 1–2 tiếng trước khi lễ hội nhảy lửa chính thức được bắt đầu.

Điều đặc biệt tại lễ hội Nhảy Lửa là người nhảy qua lửa 3 -4 phút mà không cảm thấy đau đớn, bỏng rát
Điều đặc biệt nhất khiến nhiều du khách cảm thấy thú vị đó là là người nhảy qua lửa 3 -4 phút mà không cảm thấy đau đớn, bỏng rát (Nguồn: dulichtuyenquang.gov.vn)

Lễ hội Nhảy Lửa thường được tổ chức theo từng họ. Lễ vật được sử dụng để dâng lên thần là một con gà trống, một bát gạo, tiền giấy, rượu, hương,… Nơi diễn ra lễ hội là trên một bãi đất rộng, quan trọng nhất chính là bài cúng mời thần về.

Một lễ hội Nhảy Lửa trước kia sẽ gồm có khoảng 12 người là học trò của thầy cúng tham gia. Tuy nhiên, đến nay do số lượng người theo học nghề này không còn nhiều nên chỉ có 5 – 7 người thanh niên trai trong làng tham gia hoặc học trò của nhiều thầy cúng khác nhau.

Lễ hội sẽ được tổ chức trên một bãi đất rộng lớn, sạch sẽ
Một đám lửa lớn sẽ được dựng trên một bãi đất rộng lớn, sạch sẽ (Nguồn: kinhtedothi.vn)

Thầy cúng sẽ tụng bài cúng suốt 5 – 7 tiếng để mời thần linh về.  Sau đó từ 8 giờ tối sẽ chính thức bắt đầu làm lễ cúng thần linh. Những thanh niên trai tráng trong làng đối diện thầy mo khi nhảy trên đống than hồng cháy rực 3 – 4 phút mà không đau đớn, không bỏng rát, không cháy quần áo. Đây cũng chính điều đã làm nên sức hút huyền bí, ma mị của lễ hội Nhảy Lửa.

3. Lễ hội Cấp Sắc

Lễ Cấp Sắc hay lễ Lập Tịnh là lễ hội dẫn gian của người Dao đỏ và chỉ dành cho nam giới. Nghi lễ được lưu truyền xa xưa đến nay  thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Cấp Sắc thường được tổ chức hằng năm vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng.

Lễ hội Cấp Sắc là lễ hội bắt buộc dành cho các chàng trai vùng cao để được công nhận là người đã trưởng thành
Lễ hội Cấp Sắc là sự kiện bắt buộc dành cho các chàng trai vùng cao để được công nhận là người đã trưởng thành (Nguồn: tuyenquang.gov.vn)

Theo tín ngưỡng người Dao, đây là phong tục bắt buộc. Chỉ những người được cấp sắc mới coi là người đàn ông trưởng thành, còn nếu chưa được cấp sắc thì vẫn bị coi là chưa trưởng thành dù đã lớn tuổi. Như vậy, họ sẽ không được tham gia vào các công việc hệ trọng hay không được công nhận là con cháu của Bàn Vương – tổ tiên của người Dao.

Số người được cấp sắc trong lễ phải tuân theo số lẻ và không vượt quá 13 người
Số nam thanh niên được tham gia cấp sắc phải tuân theo số lẻ và không vượt quá 13 người (Nguồn: youtube.com)

Một lễ Cấp Sắc sẽ giới hạn với tối đa là 13 người trong độ tuổi 12 – 30 tuổi, nếu ít người hơn thì sẽ phải đi theo số lẻ 3, 5, 7…. Trước ngày làm lễ, gia đình người thụ lễ sẽ mang lễ vật đi mời thầy cúng về, tẩy uể nhà cửa người được cấp sắc, chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ. Còn với người chuẩn bị được cấp sắc sẽ phải kiêng một số điều như hát hò, ngủ chung, cãi nhau,…

Trong lễ Cấp Sắc cần một số lễ vật được chuẩn bị: lợn, thóc gạo, rượu,… và có đến 6 thầy cúng thực hiện các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Thời gian buổi lễ thường kéo dài từ 1 đến 5 ngày. Trong lễ chính, thầy cúng sẽ xin thần linh để người được cấp sắc chính thức được công nhận là người đã trưởng thành. Và buổi lễ được kết thúc khi những lời cầu nguyện may mắn cho người được cấp sắc được viết ra giấy, gói lại và mang đi đốt.

Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, phần hội diễn ra vô cùng sôi nổi với các trò chơi dân gian, thi hát,..
Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, phần hội diễn ra vô cùng sôi nổi với các trò chơi dân gian, thi hát,.. (Nguồn: dulichsapa.net)

Bên cạnh phần lễ với nhiều nghi thức, lễ Cấp Sắc còn có phần hội với nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian như diễn xướng, thánh ca, trình diễn, các điệu múa dân gian… thể hiện rõ nét lịch sử, văn hóa của người dân tộc Dao.

4. Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Giang diễn ra trong các dịp Tết Nguyên Đán. Đây được xem là lễ hội hội tụ đủ những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số.

Lễ hội Gầu Tào sẽ diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán để chào đón năm mới và cũng là dịp để người dân cùng cao sum họp
Lễ hội Gầu Tào sẽ diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán để chào đón năm mới và cũng là dịp để người dân cùng cao sum họp (Nguồn: dulichkhatvongviet.com)

Gầu Tào là một lễ hội đặc trưng của người Mông với ý nghĩa  là cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ đã ban cho gia đình sức sức khỏe, thịnh vượng. Lễ hội cũng là để người dân trong bản Mông cầu phúc, cầu lộc  một năm mới mùa màng bội thu, hay để mỗi người con trong bản đi làm ăn xa nay về hội tụ với gia đình, quây quần bên nhau.

Lễ hội được người dân chuẩn bị kỹ và luôn có số lượng người tham gia đông đảo hàng năm
Gầu Tào được người dân chuẩn bị kỹ và luôn có số lượng người tham gia đông đảo hàng năm (Nguồn: vfs.vn)

Thời gian diễn ra lễ hội Gầu Tào thường trong khoảng từ ngày mồng 1 Tết đến ngày 15 tháng giêng. Lễ hội gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Địa điểm tổ chức lễ hội thường là trên một khu đất đồi tương đối bằng phẳng để thuận tiện cho việc đi lại, vui chơi, hứa hẹn đem lại những giây phút tuyệt vời cho du khách.

Trong phần lễ, gia chủ sẽ chuẩn bị một mâm cúng gồm 1 chiếc đầu lợn, 1 đôi gà trống mái đã được luộc chín; cùng với một bát cơm, quả trứng, đĩa xôi, một bó bắp ngô, một bó lúa và chút hương, giấy bản… dâng lên thần linh.

Ngoài ra, còn có một cây nêu được  dán giấy đỏ hoặc vàng trên thân cây và hình nhân treo lên ngọn cây. Sau khi thủ tục lễ bái xong xuôi, tất cả bà con trong bản đều đến tập trung đông đủ cùng nhau ăn uống, chúc tụng.

Người dân đón chào lễ hội trong không khí tươi vui, nhộn nhịp với các hoạt động vui chơi giải trí dân gian
Người dân đón chào sự kiện lớn này trong không khí tươi vui, nhộn nhịp với các hoạt động vui chơi giải trí dân gian (Nguồn: dangcongsan.vn)

Còn trong phần hội, nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn của dân tộc Mông diễn ra như đánh yến, đánh cù, đánh sảng, đấu võ, đua ngựa, bắn nỏ, thổi sáo, chọi chim, chọi gà,… Nhưng có lẽ đặc sắc nhất là phần thi hát đáp, hát ống. Ở phần thi này, các thanh niên nam nữ hát đối đáp cho đến khi có một người thua.

5. Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang

Lễ hội Cầu Trăng là lễ hội truyền thống của người dân tộc Tày được tổ chức vào dịp ngày Rằm tháng Tám (Tết Trung Thu), kéo dài trong 2 ngày từ ngày 14 đến hết ngày 15 hằng năm. Thời gian diễn ra lễ hội tuy ngắn nhưng thu hút đông đảo người dân trong các bản và du khách tham gia.

Lễ hội Cầu Trăng diễn ra vào dịp Tết Trung Thu để bày tỏ lòng thành kính với thần Trăng
Lễ hội Cầu Trăng diễn ra vào dịp Tết Trung Thu để bày tỏ lòng thành kính với thần Trăng (Nguồn: dulichkhatvongviet.com)

Lễ hội Cầu Trăng được tổ chức bởi người Tày trên khắp địa bàn tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, địa điểm tổ chức lễ hội Cầu Trăng lớn nhất, hoành tráng nhất là tại thôn Bản Loan, xã Yên Định, huyện Bắc Mê. Lễ hội này xuất phát từ tín ngưỡng về mẹ Trăng của người dân tộc Tày. Ngoài ra, lễ hội cũng như nhờ Mẹ Trăng ban phước lành cho dân trong bản, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống luôn bình an và gặp nhiều may mắn.

Người dân tộc cùng nhau múa hát, trình diễn văn nghệ trong dịp lễ hội
Người dân tộc cùng nhau múa hát, trình diễn văn nghệ vô cùng nhộn nhịp, sôi động, đặc sắc (Nguồn: mia.vn)

Lễ hội được tổ chức vào đúng ngày Rằm. Phần lễ sẽ bắt đầu từ tối ngày 14/8  âm lịch, các già làng sẽ cúng thổ công chúa bản tại một ngôi miếu linh thiêng trên một bãi đất trống rộng rãi và sạch sẽ để xin phép bề trên cho người dân tổ chức lễ hội Cầu Trăng vào ngày hôm sau.

Đến tối ngày 15/8, thầy cúng sẽ cúng thổ công, thần linh để tỏ lòng thành kính. Cùng với đó, một nhóm người đã được lựa chọn từ trước sẽ múa vòng quanh bàn cúng đến khi hoàn thành nghi thức khai hội đón trăng.

Đến với lễ hội Cầu Trăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vô vàn tiết mục văn nghệ đặc sắc và các món ăn đặc sản Hà Giang nổi tiếng
Đến với sự kiện Cầu Trăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vô vàn tiết mục văn nghệ đặc sắc và các món ăn đặc sản vùng cao nổi tiếng (Nguồn: leadtravel.com.vn)

Phần hội thường được tổ chức sớm hơn phần lễ để bà con có nhiều thời gian tham gia các hoạt động chào mừng hơn. Từ sớm ngày 14/8, dân làng đã tổ chức nhảy các điệu múa truyền thống xung quanh các bàn lễ để tỏ lòng vui mừng. Tiếp theo đó là lễ hội ẩm thực truyền thống. Mỗi đội thi sẽ nấu một món ăn đặc sản của người Tày Hà Giang như xôi ngũ sắc, cơm lam, trám muối, mắm thịt lợn, măng muối, mắm cá chép…

Người dân sẽ cùng chơi các trò chơi dân gian, quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn đã chuẩn bị từ trước bên ly rượu cay nồng. Họ cùng nhau hát lên những bài hát đằm thắm, thể hiện tình yêu lứa đôi, tình yêu với xóm làng, với quê hương đất nước. Không khí vô cùng tươi vui, náo nhiệt và ấm áp.

Lễ hội Cầu Trăng là một trong những lễ hội Hà Giang thể hiện rõ nhất các nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục tập quán của người dân
Lễ hội Cầu Trăng là một trong những sự kiện thể hiện rõ nhất các nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục tập quán của người dân vùng cao (Nguồn: dangcongsan.vn)

Lễ hội Cầu Trăng Hà Giang là lễ hội độc đáo, thể hiện rõ nét văn hóa trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số người Tày. Hòa mình với lễ hội sẽ là cơ hội để du khách trải nghiệm các tín ngưỡng, ẩm thực, trò chơi dân gian cũng như cảm nhận được sự chân chất, mộc mạc, nghĩa tình của con người nơi đây.

6. Lễ hội Chợ Tình Khâu Vai Hà Giang

Chợ Tình Khâu Vai hay còn được biết đến với cái tên chợ tình Phong Lưu, diễn ra tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Phiên chợ này đã có thời gian lên đến gần 100 năm nay và chỉ họp phiên mỗi năm 1 lần vào ngày chính 27 tháng 3 âm lịch.

Chợ tình Khâu Vai diễn ra một lần một năm là dịp để các đôi trai gái hò hẹn
Chợ tình Khâu Vai diễn ra một lần một năm là dịp để các đôi trai gái hò hẹn (Nguồn: dangcongsan.vn)

Tham gia lễ hội sẽ là cơ hội để du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt, chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Nùng, Mông, Giấy…

Chợ tình Khâu Vai là nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của đôi lứa yêu nhau, và cả những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau. Họ tìm đến đây để tâm sự, ôn lại tình xưa. Lễ hội sẽ kéo dài trong 3 ngày với vô số các hoạt động vui chơi đặc sắc, thú vị.

Lễ hội kéo dài trong 3 ngày và chủ yếu là các hoạt động được thể hiện bởi các đôi trai gái vô cùng thú vị
Chợ tình Khâu Vai kéo dài trong 3 ngày và chủ yếu là các hoạt động được thể hiện bởi các đôi trai gái vô cùng thú vị (Nguồn: baodantoc.vn)

Sau khi được khai mạc, người dân sẽ bắt đầu với phần Lễ dâng hương và Lễ cầu duyên tại miếu Ông, miếu Bà, xã Khâu Vai; Lễ cầu an tại sân Mê cung đá xã Khâu Vai  để bày tỏ lòng thành kính với những người có công khai thác vùng đất Khâu Vai. Phần lễ này cũng là để tôn vinh sự thuỷ chung trong sáng của tình yêu đôi lứa.

Khi lễ dâng hương, cúng lễ kết thúc, chủ lễ sẽ chính thức tuyên bố khai hội với vô vàn các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống được các thanh niên nam nữ cùng nhau trổ tài. Các hoạt động đó có thể kể đến như hát dân ca dân tộc Nùng; hát dân ca dân tộc Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô, trình diễn thổi khèn Mông của xã Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc…

Có thể nói đây là lễ hội Hà Giang có sự hội tụ văn hóa của đa đồng bào dân tộc vùng cao khi mỗi dân tộc sẽ có một tiết mục đặc trưng của riêng mình
Có thể nói đây là lễ hội Hà Giang có sự hội tụ văn hóa của đa đồng bào dân tộc vùng cao khi mỗi dân tộc sẽ có một tiết mục đặc trưng của riêng mình (Nguồn: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Có thể nói phần hội là sự giao lưu văn hóa giữa đồng bào các dân tộc tại Hà Giang, tạo nên một nét đặc sắc rất riêng mà khó lễ hội nào có được. Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai là nơi tái hiện những giá trị bản sắc văn hóa, mang đậm tính nhân văn cao đẹp của đồng bào các dân tộc, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Trên đây là tổng hợp các lễ hội Hà Giang lớn nhất, thu hút lượng lớn người tham gia nhất. Nếu có cơ hội du lịch Hà Giang thì du khách hãy ghé qua các bản làng của người dân để được hòa chung trong không khí lễ hội dân gian mà náo nhiệt nơi núi rừng này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết và chúc bạn có một chuyến du lịch thật vui và đáng nhớ!