Du lịch đặc trưng theo mùa (P3) Khu vực vùng cao núi đất
09/03/2024
Vùng cao núi đất phía Tây nằm trong khối núi thượng nguồn sông Chảy, gồm các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và một số xã thuộc huyện Bắc Quang, Quang Bình và huyện Vị Xuyên trên dãy Tây Côn Lĩnh. Độ cao trung bình của vùng từ 900m đến l.000m. Diện tích tự nhiên 1.211,3 km2.
Địa hình chủ yếu là núi, sườn dốc, đèo cao, thung lũng và sông suối hẹp, nhiêu thác ghềnh. Núi ở đây là núi đất. Dãy Tây Côn Lĩnh cao 2427m so với mực nước biển, là dãy núi cao nhất Hà Giang và cũng là dãy núi cao nhất khu vực Đông Bắc nước ta.
Khí hậu ở đây chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Điều kiện thời tiết trong vùng phù hợp cho việc trồng các loại cây bán ôn đói, một số loại cây công nghiệp lâu năm như: chè, thông, trẩu… Đặc biệt ở vùng này có giống chè shan tuyết đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Cây lương thực chính là lúa nước, ngô. Người ta cũng phát triển nghề rừng, nuôi ong, trâu, ngựa, dê, và các loại gia cầm.
Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh, nơi hội tụ nhiều con suối thượng nguồn của các dòng sông Chảy, sông Bạc, cung cấp nguồn nước cho các thửa ruộng bậc thang.
Ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì được coi là một trong những loại hình canh tác độc đáo. Diện tích ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì vô cùng lớn với gần 3.000ha đất nằm rải rác ở hầu hết các xã của Hoàng Su Phì. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh cho khu vực các xã: Bản Luốc, Sán Sả Hô, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên, Thàng Tín, Pó Lồ, Tả Sử Chóong, Bản Nhùng, Nậm Khòa. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ di sản ruộng bậc thang là 764,8ha, diện tích ruộng bậc thang là 251,15ha. Đó là những nơi có thể ngắm cảnh ruộng bậc thang đẹp nhất. Ruộng bậc thang Bản Phùng, Bản Luốc nằm cheo leo trên những sườn núi dốc đứng, đây là nơi có ruộng bậc thang cao nhất ở Việt Nam. Ruộng bậc thang Hồ Thầu được bao bọc xung quanh bởi những mảnh rừng nhỏ. Ruộng bậc thang Thông Nguyên, nơi ba dòng suối lớn Phìn Hồ, Nậm Ông, Nậm Khòa tụ hội, tạo nên một khung cảnh đặc biệt.
Ngoài ruộng bậc thang, các đỉnh núi trong vùng cũng tạo nên những điểm trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch khám phá, mạo hiểm hấp dẫn. Ngọn núi cao nhất là đỉnh Tây Côn Lĩnh, 2.419m so với mực nước biển, thứ hai là đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.402m so với mực nước biển, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh.
Khu vực huyện Xín Mần có thảo nguyên Suôi Thầu, một cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, gần trung tâm thị trấn Cốc Pài. Bên cạnh đó, một số di tích lịch sử, di tích khảo cổ cũng là những điểm đến làm cho con người ta lắng đọng hơn. Di tích lịch sử Nàn Ma, cách thị trấn Cốc Pài hơn 8km về phía Tây, trên đỉnh cao trên 1.500m, ghi lại chiến công và sự hi sinh của 11 chiến sĩ văn công đội Tuyên Văn thuộc Trung đoàn 148 trong chiến dịch Tây Tiến, tiễu phỉ năm 1952. Bãi đá cổ Nấm Dẩn là nơi có những khối đá lớn có khắc các hình khắc cổ ở ven dòng suối Nấm Dẩn. Khu mộ cổ Hoàng Vần Thùng – ông tổ của người La Chí cũng là một điểm đến thú vị. Ngoài ra, ở đây còn có Thác Tiên, một ngọn thác nằm giữa rừng nguyên sinh Đèo Gió. Và Đèo Gió, nơi mà khi đi qua thường bắt gặp các cơn gió khá lớn và mát mẻ. Ngọn đèo nằm trong khu vực rừng nguyên sinh, nơi có hệ động thực vật phong phú và đa dạng sinh học, có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm hiểu của các ngành sinh vật học, địa chất học, khí tượng học.
Tại vùng đất này, các món ẩm thực cũng mang những bản sắc riêng: món thịt chuột của người La Chí, món thắng cố cũng mang đậm những hương liệu của vùng núi đất phía Tây như: hạt dổi, thảo quả, sả… khác với món thắng cố khu vực vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang. Ở đây, mùa nào thức đó, có nhiều đặc sản khác như rượu thóc Nàng Đôn, chè shan tuyết, mận máu Hoàng Su Phì, cùng với các món cơm lam, thịt trâu gác bếp..
Với những tiềm năng du lịch, đến khu vực núi đất phía Tây, người ta chủ yếu để ngắm cảnh ruộng bậc thang, kết hợp thăm thú các danh lam, thắng cảnh khác và thưởng thức các món đặc sản. Thời gian lý tưởng để ngắm ruộng bậc thang được chia làm hai mùa: mùa nước đổ vào khoảng tháng 4-6, và mùa lúa chín, tháng 9-10. Vào mùa nước đổ ải, khi những cơn mưa mùa hạ trút xuống, người dân cũng tranh thủ đưa nước vào ruộng để canh tác. Lúc này, Hoàng Su Phì giống như một tấm gương, phản chiếu bầu trời và cảnh vật, tạo ra một khung cảnh đẹp long lanh. Mùa lúa Hoàng Su Phì mỗi năm chỉ một vụ. Vào khoảng tháng 9-10, những cánh đồng lúa ngả màu vàng óng ánh, tạo nên một khung cảnh rực rỡ. Những năm gần đây, sản phẩm du lịch độc đáo dù lượn trên cánh đồng vàng đã được tổ chức hàng năm đem lại cho du khách những trải nghiệm mới. Mùa thu hoạch lúa cũng gắn với Lễ gọi hồn lúa của người Dao Đỏ. Sau khi thu hoạch lúa, trên những thửa ruộng, người dân lại trồng hoa tam giác mạch.
Vào các thời điểm khác trong năm, vùng đất phía Tây này hấp dẫn với nhiều điểm khác. Huyện Quang Bình vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống dân gian đặc sắc của các dân tộc như: Tày, Dao, Pà Thẻn. Nhiều lễ hội như lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn và lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày… đã tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách.
Mùa xuân là mùa của các lễ hội, mùa của các loài hoa đào, hoa mận. Các giá trị văn hoá độc đáo được thể hiện qua các lễ hội. Lễ hội Quỹas Hiéng của người Dao Đỏ diễn ra vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới. Đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi cũng là những điểm có thể đến quanh năm vì mỗi mùa lại có những sức hút riêng. Nếu vào mùa xuân, hoa đào, hoa mận nở thì mùa đông, đến đây, có thể ngắm tuyết, xem mây. Đặc biệt, hai đỉnh núi này, cùng với một số đỉnh núi có độ cao trên 2.000m thuộc địa bàn các xã Nậm Ty, Đản Ván, Tả Sử Choóng, nối giữa những đỉnh núi dọc theo các sườn núi với cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng là những con đường mòn hiểm trở, thuận tiện cho việc phát triển loại hình du lịch mạo hiểm khám phá và các giải đua mô tô hoặc ô tô mạo hiểm.
Khu vực núi đất phía Tây cũng là nơi có nhiều dòng suối khoáng nóng chảy qua, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe bất kể mùa nóng hay mùa lạnh, như suối khoáng Nậm Choong, xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, Làng Giang, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì.
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, miền Tây Hà Giang còn là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc. Điều đó đồng nghĩa với việc ở đây, tồn tại nhiều nền văn hoá độc đáo với những làn điệu dân ca, phong tục tập quán đặc sắc. Hiện nay, tất cả những thế mạnh, những tiềm năng đó đã được chính quyền và người dân khai thác, gắn với sản phẩm du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng nhằm phát triển du lịch trong vùng. Đặc biệt hàng năm, vào trung tuần tháng 9, khu vực này lại tổ chức Festival du lịch “Qua miền di sản ruộng bậc thang” với nhiều hoạt động hấp dẫn, như: bay dù lượn, đua xe mô tô, đi bộ chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi… thu hút đông đảo khách du lịch tới thăm quan, trải nghiệm.