Du lịch đặc trưng theo mùa (P2) Khu vực vùng cao núi đá

08/03/2024

Vùng cao núi đá phía Bắc gồm các huyện tạo nên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đó là các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Vùng này nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển. Diện tích toàn vùng là 2.352,7km2.

Thời tiết ở đây rét đậm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Vùng này không có mùa nóng, mùa đông kéo dài, thường xuyên có sương muối, băng giá, tuyết. Nhiệt độ trung bình năm 18°C; ở độ cao 1500m, nhiệt độ thấp hơn 14°C. Thời tiết lạnh và mát mẻ khiến cho việc trồng các loại cây ôn đới rất phù hợp. Các loài cây phổ biến ở đây là cây dược liệu: thảo quả, đỗ trọng, tam thất, thục địa, hồi, quế; cây ăn quả: mận, đào, lê… cây lương thực chính ở vùng này là cây ngô, được trồng trong các hốc đá tai mèo trên sườn núi. Để phù hợp với khí hậu, người dân chủ yếu nuôi bò, dê, ngựa và ong. Giống gia súc ở đây cũng có đặc điểm là to hơn và chịu được rét. Đặc biệt, việc nuôi ong chỉ được thực hiện vào vụ hè – thu với hai loại hoa chính là hoa ngô và hoa bạc hà, từ đó mà tạo ra mật ong hoa bạc hà, một đặc sản chỉ có ở Hà Giang.

Về địa hình, cao nguyên đá Đồng Văn là vùng 90% là núi, gồm các dãy núi đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất. Thời gian và khí hậu đã tạo nên những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc biệt, như Núi Đôi, vườn đá Khâu Vai, vườn đá Lũng Pù, bãi Hải Cẩu Vần Chải, hẻm vực Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng, động Nguyệt, hang Rồng, hang Khố Mỷ, động Lùng Khúy… Do địa hình nhiều đồi núi, những con đường ở đây cũng phải nương theo thế núi mà lên dốc, xuống đèo, uốn lượn, nhờ thế mà tạo nên nhiều con đèo đẹp như Đèo Bắc Sum, Dốc Thẩm Mã, Dốc Chín Khoanh… những điểm nhìn có thể bao quát được cả một vùng rộng lớn khu vực Cổng trời Quản Bạ, Cổng trời Cán Tỷ…

Vùng núi đá phía Bắc cũng là nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử, đủ sức thỏa mãn cho những ai muốn tìm hiểu về cội nguồn. Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, Con đường Hạnh Phúc… mỗi cái tên đều chứa đựng trong đó những trang sử về nhiều giai đoạn khác nhau của vùng biên ải.

Đây cũng là môi trường sống của cộng đồng các cư dân bản địa, gồm các dân tộc như Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo… Cùng với các dân tộc là sự đa dạng của những làn điệu dân ca, những nét văn hoá đặc sắc được gắn với sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa du lịch. Mỗi dân tộc ở đây đều lưu giữ được gần như nguyên vẹn những bản sắc của mình về phong tục, tập quán, trang phục, lễ hội, ẩm thực… Thời tiết khí hậu đặc trưng khiến người dân sáng tạo ra những căn nhà trình tường độc đáo, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Các món ăn của họ cũng bộc lộ rõ nhu cầu chống rét như rượu ngô, thịt treo gác bếp, mật ong bạc hà, món thắng cố với rất nhiều gia vị nóng như gừng, ớt, thảo quả, tiêu rừng…

Với các đặc điểm về địa hình, khí hậu, cảnh quan và con người như vậy, vào mỗi mùa trong năm, vùng cao nguyên đá đem lại những sản phẩm du lịch khác nhau. Đến đây, người ta có thể ngắm núi, ngắm hoa, thăm các khu di tích, tham gia vào các lễ hội, các phiên chợ và thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng trong vùng. Tuy nhiên, đến với cao nguyên đá Đồng Văn, mùa xuân và mùa thu – đông là thời điểm thích hợp về thời tiết để có một chuyến đi an toàn và cũng là những thời điểm đẹp nhất.

Vào mùa xuân, ngoài việc ngắm cảnh quan núi non trùng điệp, thăm thú các khu di tích, việc chiêm ngưỡng các loài hoa ở đây là một trải nghiệm thú vị. sắc xuân ở mọi nơi đều hấp dẫn, nhưng sắc xuân ở vùng mà đá nhiều hơn đất đem lại ấn tượng mạnh hơn. Hoa đào, hoa mận đua nở trong rừng, ven đường đi, trong sân những ngôi nhà trình tường, ven bờ rào đá. Sự đối lập giữa sắc trắng, sắc hồng và vẻ mỏng manh, thanh xuân của hoa trên nền đá xám và sắc nhọn, trên những mái ngói âm dương rêu phong gợi lên một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của cây cối và con người nơi đây. Cảnh những đám ngô non, xanh mơn mởn mọc trên các hốc đá tai mèo cũng giống như hình ảnh tượng trưng của người Mông, một dân tộc chiếm đa số ở vùng đất này, luôn sống trên những ngọn núi đá khô cằn. Mùa xuân, cũng là mùa hoa cải vàng nở. Phố Cáo, Thung lũng Sủng Là, dọc đường đi, đâu đâu cũng có thể thấy những vạt hoa cải vàng. Những em bé ở đây thường gùi cả một gùi hoa cải hoặc đội trên đầu vòng hoa cải xinh xinh, tạo nên một bức tranh nên thơ như trong truyện cổ tích. Ngoài ra, từ Quản Bạ đến Yên Minh, Mèo Vạc, dọc Quốc lộ 4C, đặc biệt là vùng xã Cán Tỷ, xã Đông Hà… vào khoảng tháng 3, hoa gạo nở rực đỏ cũng tạo nên một nét đặc trưng riêng cho vùng cao nguyên đá.

Các phiên chợ ở vùng cao là một phần không thể thiếu trong lịch trình của các chuyến du lịch. Đặc biệt nhất trong số đó là Chợ phong lưu Khâu Vai. Phiên chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc. Đây là nơi hò hẹn chung cho tất cả những người yêu nhau trong vùng. Ngày xưa, chợ này không có người mua, người bán. Gần đây, ngoài việc hò hẹn, gặp gỡ, người ta cũng có thể mua, bán, trao đổi các sản vật vùng cao. Ngoài chợ phong lưu Khâu Vai, còn có một số chợ tình khác như Chợ tình Du Già, chợ Lũng Làn. Bên cạnh các phiên chợ tình, Lễ hội mùa xuân của dân tộc Mông và Dao cũng tạo nên sức hút lớn. Lễ hội thường được tổ chức sau Tết Nguyên Đán, kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Lễ hội nhằm mừng công, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Trong lễ hội, người ta thường tổ chức thi bắn nỏ, hát giao duyên, ném pa páo.

Vào cuối thu, đầu đông, cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi hoa tam giác mạch, loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên đá nở khắp các thung lũng, sườn đồi, khu vực này lại mang một diện mạo khác. Đó là mùa đẹp nhất ở đây, cũng là mùa du lịch. Hoa tam giác mạch bắt đầu nở vào cuối thu và có thể kéo dài đến sau Tết Nguyên đán, với những mảnh ruộng tam giác mạch muộn. Người ta có thể bắt gặp các thảm hoa trên suốt chặng đường từ Quản Bạ, Yên Minh đến Mèo Vạc, Đồng Văn. Vào thời điểm này, thời gian gần đây, để tôn vinh loài hoa này và thu hút khách du lịch, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch, thường vào tháng 10 hàng năm, sau mùa lúa chín. Ngoài hoa tam giác mạch, vào mùa đông, hoa cải vàng cũng nở rực rỡ khắp các nẻo đường, từ Cổng trời Quản Bạ đến Đồng Văn, nhiều nhất là khu vực Thung lũng Sủng Là, thị trấn Tam Sơn, Quyết Tiến, thuộc huyện Quản Bạ. Hoa cải ở đây có hai loại, màu vàng và màu trắng, nhưng loại hoa vàng phổ biến hơn. Đây là loài hoa phù hợp với thời tiết xứ lạnh, chúng có thể mọc khắp nơi, trên sườn đồi, trên vách đá, ven bờ suối,… và thời gian nở hoa khá dài, từ một tháng đến tháng rưỡi.

Trong những năm gần đây, tỉnh Hà Giang đã phát triển thêm một số hình thức du lịch thể thao, như: Giải đua xe ô tô và mô tô mạo hiểm, Giải đua thuyền kayak tại Quản Bạ, Giải chạy việt dã chinh phục vách đá thần Mã Pì Lèng (Mèo Vạc), Giải marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh Phúc”, Giải đua thuyền chinh phục hẻm Tu Sản… Những hoạt động này giúp người tham dự vừa khám phá được sức mạnh của bản thân, vừa khám phá cảnh đẹp thiên nhiên của vùng cao nguyên đá.

Đến với vùng cao nguyên đá phía Bắc, người ta có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên núi non hùng vĩ, sông suối nên thơ, khám phá phong tục tập quán đa dạng, độc đáo của các dân tộc, thưởng thức các món đặc sản, ẩm thực đặc trưng của trong vùng. Nơi đây, mỗi mùa mang lại có một nét đẹp, nhưng đều có sự hấp dẫn riêng đối với du khách.