Bánh tam giác mạch
18/03/2024
Món bánh được làm từ bột hạt tam giác mạch của người Mông vùng cao nguyên đá Hà Giang. Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân thu hoạch hạt của cây tam giác mạch, phơi khô, chế biến thành món bánh yêu thích.
Công đoạn xay bột khá vất vả. Hạt tam giác mạch phơi nắng trong một tuần liên tục để hạt khô dễ xay hơn. Bột được xay bằng tay, nếu xay không khéo, bột không mịn, bánh không ngon. Sau khi xay phải lọc kĩ để loại bỏ vỏ và được bột thật mịn. Để tạo ra hương vị khác biệt cho bánh tam giác mạch, và cũng vì năng suất của tam giác mạch không cao, người ta thường trộn bột tam giác mạch với bột đỗ và bột gạo nếp nương theo một tỉ lệ nhất định. Nhờ đó, bánh có thêm vị bùi của đỗ, thơm của nếp nương.
Hỗn hợp bột đã xay mịn được nhào với nước, đánh đều cho nhuyễn, dẻo, mềm. Để dễ hấp chín và chế biến, mỗi chiếc được nặn hình tròn với đường kính khoảng 10cm và mỏng chừng 1cm. Bánh hấp chín, sau đó, được nướng trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nóng hổi thì mới ngon.
Bánh tam giác mạch có màu tím sậm, lấm tấm nổi trên nền bánh sắc tím phai, mềm, xốp, vị ngọt thanh, càng nhai kỹ càng bùi và phảng phất hương thơm của cây rừng. Khi ăn, nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh lan toả, vị bùi và chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Người H’Mông khi đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố. Bánh tam giác mạch đang góp phần tạo nên một nét đặc trưng của ẩm thực vùng cao nguyên đá.