Cổng trời Cán Tỷ

18/03/2024

Cổng trời nằm ở huyện Quản Bạ, nơi phân chia bên phía Bắc là huyện Đồng Văn ngày xưa (nay gồm ba huyện: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) với bên phía Nam là huyện Vị Xuyên (nay gồm huyện Quản Bạ và Vị Xuyên). Cổng trời là nơi cao nhất, quanh năm mây phủ, khiến người ta quan niệm rằng đây là nơi tiếp giáp giữa đất và trời. Khí hậu luôn mát mẻ, nhiệt độ từ 15-20°C.

Tại đây, có hai dãy núi chạy song song, một dãy kéo dài từ Na Khê, Lao Và Chải, Ngam La đến Đường Thượng (thuộc Yên Minh) và dãy kia từ Cán Tỷ, Lùng Tám, Thái An (thuộc Quản Bạ). Hai dãy núi ngăn đôi vùng phía Bắc là Đồng Văn cũ và phía Nam là Vị Xuyên cũ. Một con đường mòn nối từ Cán Tỷ sang Lao Và Chải. Từ xưa, con đường này được người dân trong vùng dùng làm lối đi lại giữa hai vùng. Sau khi chiếm đóng Hà Giang (1887), quân Pháp đã cho xây Thành Cán Tỷ. Thành trước đây có cổng bằng gỗ nghiến đóng mở hàng ngày, nên được gọi là cổng trời. Thành nằm án ngữ con đường dọc theo hẻm vực sông Miện. Ở vị trí hiểm yếu này, một người có thể địch muôn người. Hiện nay, những gì còn lại của tòa thành là hai bức tường nằm đối diện với nhau qua hai bờ sông Miện. Mỗi bức tường đều bắt đầu từ bờ sông, kéo dài lên sườn dốc cho đến khi chạm vào vách núi. Tường thành dày gần một mét, xây bằng đá hộc, có các lỗ châu mai hướng về phía Bắc. Hệ thống các lô cốt được xây dựng kiên cố dọc thường thành. Nơi tường thành kết thúc, có một hang đá dùng để phòng thủ và chứa vũ khí.

Ở cổng trời, có lối đi lại xuyên cả 2 bức tường xây bằng đá, khoảng trống ước tính 20m, cả hai bức tường vẫn còn những lỗ thủng như lỗ châu mai. Trước đây, xây kín cả 2 bên thành và trên cổng, có cửa đóng mở. Khi mở đường ô tô lên Đồng Văn những năm 1960 -1961, vì cổng trời hẹp không đủ cho xe ô tô qua lại, người ta phải mở rộng ra, nên phá cả bức tường ngay trên cổng. Từ đó đến nay, cổng thành của cổng trời Cán Tỷ chỉ còn là lối qua lại như bao chỗ khác, không còn cửa, không còn tường chặn trên loi đi lại, chỉ còn hai bức tường ở hai bên sườn núi.

Ngày 02.11.1959, lợi dụng địa thế hiểm yếu, bọn đặc vụ Quốc dân đảng Trung Quốc và thổ phỉ đã chiếm giữ cổng trời Cán Tỷ, kiểm soát tuyến đường từ thị xã Hà Giang (nay là thành phố Hà Giang) lên vùng cao, công khai chống phá cách mạng. Cuối tháng 11/1959, chúng tăng cường thêm 40 tên do Vàng Chỉn Cáo chỉ huy, chốt giữ Cổng trời, Chúng tuyên bố “Vùng lãnh thổ từ cổng trời trở lên là xứ tự trị của người Mông. Nếu không được phép của các thủ lĩnh, không ai được qua Cổng trời”. Do đường lên Cổng trời hiểm trở, để tiễu phỉ, quân đội phải chia thành ba cánh quân. Một cánh bí mật dùng thang dây trèo lên chiếm lĩnh đỉnh núi cao nhất, cánh thứ hai chiếm lĩnh phía bắc cổng trời, cánh thứ ba chiếm lĩnh phía nam. Cả ba cánh quân phối hợp với nhau cùng đánh mới có thể giải tỏa được khu vực cổng trời. Nhờ đó, vụ bạo loạn Đồng Văn 1959 được dẹp yên.

Gần đây, con đường Cán Tỷ nối huyện Quản Bạ và xã Lao Và Chải của huyện Yên Minh đã nâng cấp và khai thông trở lại. Quãng đường dài khoảng 14km nhưng được coi là cung đường khó nhất, cao nhất, nguy hiểm nhất trên toàn bộ lộ trình từ Hà Giang đi Yên Minh. Con đường đã rút ngắn quãng đường từ Quản Bạ lên Yên Minh gần 20km.

Từ cổng trời Cán Tỷ, có thể nhìn thấy chiếc hồ treo Sủa Cán Tỷ, thuộc thôn Đầu Cầu. Hồ treo Cán Tỷ là một trong những hồ treo đẹp nhất tại cao nguyên đá Hà Giang, có dung tích trên 7 nghìn m3, vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, cung cấp nước quanh năm cho hai thôn Sủa Cán Tỷ và Sảng Cán Tỷ. Nhờ có hồ treo này, dân trong các thôn không phải đi lấy nước dưới sông Tráng Kìm, cách nơi ở 4km đường dốc đá.

Từ Cổng trời Cán Tỷ, nhìn về phía bên phải, có thể thấy một bản người Mông nằm trên lưng chừng núi. Xã Cán Tỷ là nơi có những bản người Mông nằm ở nơi cao nhất trên khắp vùng Cao nguyên đá. Với nguồn nước núi cao tinh khiết, khí hậu mát mẻ, bản Mông này là một nơi nấu rượu ngô ngon của Hà Giang, đặc biệt là rượu ngô nếp.

Cổng trời Cán Tỷ, nơi có địa hình hiểm yếu, đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử của tỉnh Hà Giang. Khu vực này còn mang nhiều giá trị với các di sản khác như rừng đá, hẻm vực sông Miện, ranh giới địa chất giữa đá vôi cổ hơn và các đá lục nguyên trẻ hơn, di chỉ khảo cổ thời kỳ đá cũ.

BẢN ĐỒ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *