Đỉnh Tây Côn Lĩnh

19/03/2024

Ngọn núi nằm trải dài giáp ranh giữa ba xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì), Cao Bồ và Phương Tiến (huyện Vị Xuyên), cách thành phố Hà Giang khoảng 146km theo đường Vị Xuyên, Hoàng Su Phì. Đây là ngọn núi được coi là “nóc nhà Đông Bắc”, có toạ độ 22°48’26” Bắc, 104°47’14” Đông.

Truyền thuyết của người dân tộc La Chí kể rằng, Tây Côn Lĩnh là núi linh thiêng, huyền bí, ở độ cao 2.000m, gần đỉnh núi có khu nghĩa địa của 24 lính Pháp trong vụ tai nạn máy bay quân sự năm 1947 và khu mộ của vị vua giàu có, tên là Hoàng Vân Thùng, tổ tiên của người La Chí.

Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.419m so với mực nước biển, dãy núi có đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc, đỉnh núi cao thứ hai của Việt Nam (sau Fansipan), nằm trên dãy núi thượng nguồn sông Chảy, phía Tây tỉnh Hà Giang. Trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh có mốc trắc địa ghi “Khu vực biên giới”, dưới chân núi là cánh rừng nguyên sinh, diện tích rừng quanh khu vực dãy núi Tây Côn Lĩnh rộng hơn 15.000ha, trong đó có rừng nguyên sinh lá nhiệt đới nhiều tầng, thảm thực vật đa dạng, phong phú, nhiều cây cổ thụ, cây thân thảo, cây lau sậy, cây dây leo, cây bụi cỏ, hoa phong lan, đỗ quyên… từ độ cao 1.600m trở lên là khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh.

Khí hậu khu vực Tây Côn Lĩnh có sự khác nhau giữa chân núi và đỉnh núi: chân núi khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, đỉnh núi khí hậu ôn đới núi cao; càng lên cao nhiệt độ càng giảm, trung bình cứ 100m nhiệt độ giảm khoảng 1°C; mùa đông trên đỉnh núi thường xuất hiện băng tuyết. Quanh khu vực này, chủ yếu có người La Chí, người Dao sinh sống, họ trồng và hái chè, trong đó nổi tiếng là chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nhiều bản làng nơi đây còn giữ được vẻ hoang sơ với những nét văn hóa đặc sắc.

Dưới chân núi, chợ phiên Hoàng Su Phì họp mỗi tuần một lần vào chủ nhật, người dân bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm của địa phương, như: thịt, rau quả, vải vóc, kim chỉ, đồ dùng lao động sản xuất..

Tây Côn Lĩnh là điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch ưa thích độ cao, mạo hiểm và khám phá. Khu vực này hoang sơ, cây cối rậm rạp, địa hình hiểm trở, chỉ có đường mòn dành cho người đi bộ; đường dốc, đá hộc chênh vênh, được xem là khó đi nhất ở khu vực miền Bắc. Càng lên cao, đường đi càng hiểm trở, một bên vực thẳm, một bên vách núi cheo leo. Trên đỉnh núi, hầu như quanh năm giá buốt, mây mù. Để chuyến leo núi thuận lợi, bạn cần chọn trang phục phù hợp, đi giày leo núi chuyên dụng, mang thêm áo khoác, mũ, gậy leo núi,… Đừng quên mang theo thuốc chống côn trùng, dụng cụ y tế, đồ ăn nhẹ, nước uống và các dụng cụ khác như sạc dự phòng, pin máy ảnh,… ưu tiên mang theo những loại đồ đạc nhẹ, dễ mang vác. Nếu leo núi vào mùa đông, bạn cần có thêm áo khoác dày, áo giữ nhiệt, khăn len vì trên đỉnh núi nhiệt độ thấp, khá lạnh lẽo.

BẢN ĐỒ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *