Bãi đá cổ Nấm Dẩn – Di tích lịch sử lâu đời với bí ẩn chưa được giải mã
08/03/2024
Nằm trong thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần. Ít người biết đến bãi đá cổ Nấm Dẩn như một di sản cấp quốc gia có niên đại lên đến hàng nghìn năm. Dù không có quy mô lớn bằng bãi đá cổ Sa Pa nhưng bãi đá cổ Nấm Dẩn vẫn đầy bí ẩn và chứa đựng nhiều điều kỳ thú để khám phá khi du lịch Hà Giang.
Vào năm 2004, bãi đá cổ này được phát hiện bởi các nhà khoa học đến từ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang. Cho tới năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã chính thức công nhận bãi đá cổ Nấm Dẩn là di tích cấp Quốc gia Việt Nam.
Truyền thuyết về bãi đá cổ Nấm Dẩn
Theo truyền thống của người Nùng tại Nấm Dẩn, từ xa xưa, tổ tiên của họ đã thực hiện nghi thức thờ đá. Theo quan niệm của người xưa, đá và linh hồn con người có mối liên hệ chặt chẽ. Đá là một phần quan trọng trong đời sống, lao động, sinh hoạt văn hóa và tinh thần của con người. Ngày nay, người Nùng vẫn duy trì một số lễ tế và nghi thức thờ cúng liên quan đến Thần Đá.
Theo quan niệm cổ xưa, đá được coi là có tính sống, cũng như có phần hồn và xác như con người. Nó thậm chí còn được coi là nơi trú ngụ cho linh hồn con người. Ngày xưa, con người đã coi các hang đá là nơi để trú ngụ và sinh hoạt của nhiều thế hệ. Khi qua đời, họ được chôn cất trong quan tài đá hoặc ngôi mộ đắp bằng đá.
Vì những phong tục thờ đá và tín ngưỡng quan trọng đối với đá, người dân địa phương luôn tôn trọng và giữ gìn những phiến đá cổ xưa. Bên cạnh đó, họ còn tin rằng bãi đá cổ chứa đựng những bí mật thiêng liêng của các vị thần cổ xưa và những hình vẽ trên các tảng đá được coi là “thiên tự” – ký hiệu của thiên nhiên và thần linh.
Cách di chuyển tới bãi đá cổ Nấm Dẩn như thế nào?
Để đến bãi đá cổ Nấm Dẩn từ trung tâm thành phố Hà Giang, bạn có thể lựa chọn giữa 2 cung đường chính. Cung đường 2 dù dài hơn cung đường 1 nhưng lại dễ đi và phù hợp cho cả ô tô và xe máy. Trong khi đó, cung đường 1 có nhiều khúc cua tay áo mạo hiểm, thích hợp hơn cho những “phượt thủ” chuyên nghiệp.
Cung đường số 1 dài khoảng 126km và thời gian di chuyển khoảng 3 giờ 45 phút. Bạn sẽ đi từ trung tâm thành phố Hà Giang theo Quốc lộ 2 đến Yên Bình, sau đó đi dọc theo đường tỉnh 178 đến Đèo Gió. Tiếp tục đi thêm khoảng 15km từ Đèo Gió để đến bãi đá cổ Nấm Dẩn. Cung đường này thích hợp cho cả ô tô và xe máy.
Cung đường số 2, dài hơn cung đường số 1 khoảng 5km và mất thêm khoảng 55 phút di chuyển. Từ trung tâm Hà Giang, bạn cần đi theo đường 197C đến thị trấn Vinh Quang, sau đó đi tiếp theo đường DT177 đến trung tâm xã Nấm Dẩn. Cuối cùng, bạn đi thêm khoảng 1,7km để đến bãi đá cổ Nấm Dẩn.
Tham quan bãi đá cổ Nấm Dẩn mùa nào đẹp nhất?
Được biết đến với những phiến đá rải rác trên cánh đồng thung lũng Nùng Ma Lù, bãi đá cổ Nấm Dẩn Hà Giang chỉ có thể được tiếp cận qua đường ruộng và lối mòn nhỏ khá gồ ghề. Để đảm bảo sự an toàn và có thể tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm khám phá bãi đá, du khách cần tìm hiểu thời điểm phù hợp cho chuyến đi.
Mùa khô trải dài từ tháng 11 cho đến tháng 3 hàng năm chính là thời điểm lý tưởng nhất để khám phá bãi đá cổ Nấm Dẩn ở Hà Giang. Lúc này, đường đi khô ráo và dễ dàng di chuyển, cảnh sắc của thung lũng vào mùa này cũng rất đẹp. Đặc biệt là khoảng tháng 11 và 12 với hoa tam giác mạch nở rộ và đầu xuân với sắc trắng của hoa mận rừng. Khoảng thời gian này cũng được rất nhiều tour du lịch Hà Giang khai thác và quảng bá tới du khách.
Ngoài du lịch Hà Giang mùa hoa tam giác mạch, bạn nên hạn chế đến vào mùa mưa là từ tháng 6 đến tháng 8. Thời điểm này là khi Hà Giang đang ở cao điểm của mùa mưa. Trong khoảng thời gian này, đường đi trơn trượt và nguy hiểm, gây khó khăn và mất an toàn cho việc di chuyển.
Bãi đá cổ Nấm Dẫn có gì hấp dẫn du khách?
Bãi đá gồm 7 di tích có hình khắc cổ, trong đó nổi bật nhất là di tích nằm cách suối Nậm Khoòng khoảng 50 m với hơn 80 hình chạm khắc cùng nhiều hoạt tiết và kích cỡ khác nhau.
Tọa lạc cách khu di tích cự thạch khoảng 500 m, thôn Nấm Dẩn là nơi có khu bãi đá với những hình vẽ chạm khắc cổ. Với hơn 80 hình chạm khắc là các ký tự hình học, nét chữ và hoa văn, người dân địa phương gọi nơi đây là “Nà Lai Shứ” nghĩa là “ruộng nhiều chữ” hay “cánh đồng nhiều chữ”.
Ngoài hình khắc vẽ, trên bề mặt đá có rất nhiều lỗ vũm, được khoét với đường kính trung bình 5-6cm, sâu l-2cm. Các lỗ vũm phân bố chủ yếu ở đầu phía tây của tảng đá. Theo các nhà khảo cổ học, hình và lỗ được tạo ra bằng đục sắt và búa. Những dấu vết này có niên đại sau công nguyên vài ba thế kỷ, khi đồ sắt đã được sử dụng rộng rãi. Dựa vào phương pháp phân loại hình thức, các nhà khoa học đã chia các hình khắc thành 6 nhóm, gồm nhóm các dạng hình học (như hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông…); nhóm các hình hoa văn hình vuông và hình tròn; nhóm những vạch đục khắc song song; nhóm những biểu tượng sinh thực khí; nhóm những hình bàn chân người và nhóm những hình người trong tư thế giơ hai tay, dạng hai chân như trong các bích họa thời tiền sử.
Nhiều nhà khảo cổ cho rằng, bãi đá cổ Nấm Dẩn có thể là khu đất thiêng, thờ cúng thần linh và tổ tiên của cộng đồng dân cư hoặc là di tích mộ cổ của một vị thủ lĩnh tộc người khi xưa. Tuy nhiên, một vài phỏng đoán này vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác định chủ nhân thực sự của bãi đá cổ Nấm Dẩn.
Vào ngày 2.6 âm lịch hàng năm, đồng bào địa phương thường làm lễ cúng các vị thần: Thần Đá, Thần Núi, Thần Rừng, Thần Suối… để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.