Di tích lịch sử Căng Bắc Mê

08/03/2024

Di tích lịch sử vốn là đồn binh của Pháp, sau là nhà tù chính trị, thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Khu di tích nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 65km về phía Đông, trên sườn núi Rồng, trước mặt là dòng sông Gâm. Căng được phiên âm từ tiếng Pháp Camp, có nghĩa là đồn binh, trại lính; Bắc Mê xuất phát từ tiếng địa phương Pác Mìa, nghĩa là cửa ngòi, nơi nước chảy ra sông.

Bắc Mê là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, núi rừng hiểm trở bao quanh nhưng có vị trí quan trọng do nằm giáp ranh giữa tỉnh Tuyên Quang và Cao Bằng và là địa thế thuận lợi về chính trị. Vì vậy, vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX Pháp cho xây dựng đồn binh Căng Bắc Mê để làm nơi đóng quân với khoảng một đại đội lính khố xanh (lính bản xứ), bao gồm một số cai, đội người địa phương dưới sự chỉ huy của một viên sĩ quan Pháp và đặt chốt quan sát nhằm âm mưu kiểm soát, khống chế toàn bộ tuyến giao thông nối giữa ba tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng, qua đó khống chế toàn bộ vùng phía Bắc.

Từ sau năm 1939, lợi dụng địa thế hiểm trở, heo hút, núi rừng bao quanh, Pháp đã sử dụng Căng Bắc Mê làm địa điểm giam giữ các tù nhân chính trị là cán bộ cách mạng chưa bị kết án nhằm trấn áp và uy hiếp phong trào cách mạng. Pháp đã cho mở rộng đồn bốt cũ, xây thêm tường hào, nhà cửa… hàng trăm người dân địa phương đã bị bắt đi phu xây dựng Căng Bắc Mê.

Căng Bắc Mê có diện tích khoảng 2.500m2, gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà làm việc, nhà thông tin, nhà kho… xung quanh có hệ thống tường thành bảo vệ kiên cố xây bằng đá tảng, dài khoảng 190m, cao 2m, dày 40cm; cứ 10m lại có một lỗ châu mai hình vuông. Khu nhà giam biệt lập, hoang vắng, được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi cao, rừng già và nhiều điều kiện khắc nghiệt của nhà tù đế quốc, nên tù nhân rất khó trốn thoát.

Trong hai năm (1940 – 1941), Pháp đã đưa hai đợt, với khoảng 300 tù nhân trong đó có đảng viên Đảng Cộng sản và các chiến sĩ yêu nước từ các nhà tù Sơn La, Phú Thọ, Hỏa Lò… lên đây để giam giữ, trong đó có nhiều đồng chí cộng sản tiêu biểu, có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng lúc bấy giờ như Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Khuất Duy Tiến, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Trần Cung (Nguyễn Ngọc Cư), Hoàng Bắc Dũng, Lê Giản, Đặng Việt Châu, v.v. Đến nay, di ảnh các đồng chí vẫn được đặt tại nhà trưng bày của khu di tích.

Từ năm 1941, do sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng vùng biên giới và sự tăng cường đoàn kết, đấu tranh quyết liệt của các tù nhân ở Căng Bắc Mê, cuối năm 1942, Pháp chuyển toàn bộ tù chính trị sang giam giữ ở các nhà tù khác. Từ năm 1943, Căng Bắc Mê trở lại là một đồn binh của Pháp. Cuối năm 1945, Căng Bắc Mê được giải phóng cùng với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương và cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên cả nước.

Hiện nay về mặt cấu trúc, di tích lịch sử Căng Bắc Mê không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng những dấu tích về tinh thần cách mạng kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những chiến sĩ cộng sản trong nhà tù đế quốc và nhiều hiện vật đã được chính quyền, nhân dân nơi đây lưu giữ, bảo tồn. Toàn bộ di tích Căng Bắc Mê là một không gian tĩnh lặng, trầm mặc, cổ kính với nhiều cây cổ thụ xum xuê và rêu phong bao phủ. Năm 2003 và 2009, di tích lịch sử Căng Bắc Mê được trùng tu, tôn tạo một số hạng mục như xây dựng nhà tưởng niệm, đắp tường, dựng vọng gác, làm bậc lên xuống bằng đá xẻ, trồng mới và tôn tạo hệ thống cây xanh… Tỉnh Hà Giang đang thực hiện Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Căng Bắc Mê nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập truyền thống cách mạng, phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Căng Bắc Mê là địa danh có giá trị lịch sử và ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, điểm du lịch với khung cảnh cổ kính, không gian tĩnh lặng. Năm 1992, Căng Bắc Mê được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

BẢN ĐỒ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *