Bảo tàng tỉnh Hà Giang

08/03/2024

Bảo tàng Hà Giang có địa chỉ tại số 148, đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, nằm giữa trung tâm thành phố, bên cạnh dòng sông Lô và cầu Yên Biên 1.

Bảo tàng tỉnh Hà Giang được thành lập năm 1992, nhà trưng bày khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2000 nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Năm 2020 công trình nhà Bảo tàng Hà Giang được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và đổi mới trưng bày với tổng diện tích khoảng 4.100m2 gồm: Nhà trưng bày cố định, khuôn viên trưng bày ngoài trời và nhà sàn. Công trình cải tạo, nâng cấp được sự tư vấn, thiết kế trưng bày của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Bảo tàng trong nước, chuyên gia thiết kế người Pháp. Ngoài hệ thống trưng bày, bảo tàng sử dụng công nghệ mới như màn hình 3D maping, màn hình Panorama khổ lớn, màn hình tương tác hiện vật….giúp du khách được trải nghiệm và kết nối giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Hà Giang một cách chân thực nhất.

Toàn bộ không gian trưng bày cố định bao gồm: Không gian khánh tiết và 4 chủ đề trưng bày cố định phản ánh quá trình hình thành, phát triển của Hà Giang từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.

Tầng 1: Gồm khu vực khánh tiết và chủ đề 1: Hà Giang những dốc mốc lịch sử.

Không gian khánh tiết của Bảo tàng Hà Giang là điểm khởi đầu của quá trình tham quan, đó là những tấm pano được sắp xếp theo một thuật toán, phía trước là dòng chữ “BẢO TÀNG HÀ GIANG”, phía sau là những địa danh, cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh, những tấm pano này giống như cánh tay của cảnh quan ôm lấy bảo tàng, mỗi du khách đến đây sẽ được checkin đánh dấu chuyến tham quan. Màu sắc và họa tiết của các tấm pano đặt tại khu vực khánh tiết gợi về sự hiện diện của các dân tộc trong một không gian chung, được lấy ý tưởng từ màu sắc trên trang phục của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Chủ đề 1: Hà Giang những dốc mốc lịch sử: Trưng bày một số mẫu hóa thạch cổ sinh được phát hiện trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang, có niên đại cách ngày nay từ 500 triệu năm đến 5 triệu năm, đặc biệt có một số mẫu vật hóa thạch minh chứng cho vùng đất Hà Giang xưa kia từng là biển, chủ đề này còn phản ánh về cư dân cổ, quá trình tụ cư của các dân tộc trên mảnh đất Hà Giang theo dòng lịch sử, những dấu tích văn hoá thời phong kiến được phát hiện và lưu giữ ở Hà Giang qua các thời kỳ như: Thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn; Chủ đề này giới thiệu một số hình ảnh tiêu biểu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh tổ quốc, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới, tiễu Phỉ, mở đường Hạnh Phúc…. kết thúc chủ đề du khách sẽ được trải nghiệm thước phim trình chiếu bằng công nghệ 3D maping.

Tầng 2: Gồm 03 chủ đề:

– Chủ đề 2: Ba vùng sinh thái: Không gian trưng bày này đưa khách tham quan được hòa mình vào cảnh quan thiên ở 3 vùng sinh thái dưới nhiều góc độ khác nhau. Nội trưng bày được kết hợp với giải pháp công nghệ màn hình cong rất lớn, âm thanh sống động. Khách tham quan được tìm hiểu khám phá tương tác với các hệ động thực vật đa dạng, cảnh quan thiên nhiên phong phú và gợi mở các địa danh, điểm du lịch hấp dẫn để xây dựng kế hoạch tham quan, khám phá tiếp theo.

+ Chủ đề 3: Văn hóa đa dạng: Nội dung trưng bày khái quát sự phong phú đa dạng về văn hóa của của đồng bào các dân tộc định cư trên mảnh đất Hà Giang. Tuy không mô tả đầy đủ các yếu tố văn hóa của từng dân tộc mà chỉ đề cập đến những nét văn hóa đặc trưng nhất của cộng đồng dân tộc, như người Mông có lễ hội Gầu Tào, nghề trồng lanh dệt vải; người Tày có Lễ hội Lồng Tồng, lễ Cầu trăng; người Lô Lô có lễ cúng tổ tiên và tục thờ trống đồng; người Pà Thẻn có lễ nhảy lửa.. ..Bên cạnh đó trưng bày một số nghề thủ công truyền thống, đặc trưng như nghề rèn, nghề chạm bạc, làm ngói máng, làm đồ mộc, làm giấy bản, đan lát… Ngoài ra còn bổ trợ thông qua hệ thống màn hình tương tác, các đĩa phim tư liệu phản ánh những di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần giúp người xem có cái nhìn tổng quát hơn.

+ Chủ đề 4: Xây dựng cuộc sống mới: Điểm nhấn trong trưng bày thể hiện qua loạt ảnh các công trình chụp 360 độ, chụp từ trên cao, đây là một cách tiếp cận mới để nhìn ngắm những công trình này theo quan điểm mới, cách nhìn mới của các bạn trẻ. Nội dung trưng bày đề cập đến “yếu tố con người” đề cao những đóng góp, sáng tạo của người Hà Giang để tạo nên những sự thay đổi đó.

Ngoài những chủ đề trưng bày cố định, Bảo tàng còn trưng bày không gian ngoài trời, nhà sàn truyền thống cùng hệ thống cây xanh, không gian trình diễn dân gian, hoạt động trải nghiệm vào dịp cuối tuần.

Bảo tàng Hà Giang mở cửa các ngày từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần, buổi sáng từ 08h00 đến 11h00, buổi chiều từ 14h00 đến 17h00. Riêng thứ 6 và thứ 7 mở cửa buổi tối từ 19h30 đến 21h30.

BẢN ĐỒ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *